Sau khi xung đột Nga - Ukraine nổ ra,ệpNgahưởnglợitừcuộcdicưcủaphươngTâsex nhật nhiều doanh nghiệp phương Tây đã rời khỏi Nga. Theo hãng tin Bloomberg,các doanh nghiệp Nga đang nhanh chóng lấp đầy khoảng trống mà các công ty quốc tế để lại, cũng như hưởng lợi lớn từ việc thu giữ tài sản của các công ty này với giá rất rẻ.
Gã khổng lồ thức ăn nhanh McDonald's của Mỹ, tập đoàn đóng gói Ball và nhà sản xuất hóa chất Henkel chỉ là một số ít trong số các công ty đã rời Nga do áp lực quốc tế mạnh mẽ từ các lệnh trừng phạt và từ các nhà đầu tư sau khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự ở Ukraine.
Theo ước tính từ cơ quan nghiên cứu và tin tức AK&M, các công ty phương Tây đã bán lại số tài sản trị giá ít nhất 21 tỉ USD của họ ở Nga vào năm 2022 và nửa đầu năm nay.
Các doanh nhân mới của Nga thâu tóm số tài sản này ít được biết đến ở nước ngoài, và họ cũng chưa bị đưa vào danh sách trừng phạt của Mỹ hoặc châu Âu.
Một ví dụ là tập đoàn Arnest của doanh nhân người Nga Aleksey Sagal, chuyên về mỹ phẩm và đồ gia dụng, đã mua doanh nghiệp đóng gói đồ uống của Ball tại Nga với giá 530 triệu USD vào tháng 9 năm ngoái. Sau đó, tập đoàn Arnest mua lại 100% cổ phần ở Nga của nhà sản xuất bia lớn thứ hai thế giới Heineken, với giá tượng trưng 1 euro, tức 26.000 đồng, vào tháng 8 năm nay.
Doanh nhân than đá Aleksandr Govor đã tiếp quản McDonald’s ở Nga sau khi gã khổng lồ thức ăn nhanh Mỹ rời đi. Ông Govor đã đổi tên McDonald’s thành tên tiếng Nga, tạm dịch sang tiếng Anh là Just Tasty, có nghĩa là Ngon miệng.
Vào tháng 6, chuỗi cửa hàng thức ăn nhanh được đổi thương hiệu này thông báo tình hình kinh doanh rất khả quan, đón hơn 500 triệu lượt khách trong năm qua.
Một số doanh nhân nổi tiếng cũng hưởng lợi từ khi công ty phương Tây rời đi. Người giàu nhất nước Nga, ông Vladimir Potanin, người sở hữu công ty khai thác mỏ khổng lồ Norilsk Niken, đã mua lại ngân hàng Rosbank từ tập đoàn ngân hàng Pháp Societe Generale vào năm ngoái. Tỉ phú Potanin bị Mỹ và Anh trừng phạt vào tháng 12.2022.
Sự ra đi của các công ty đa quốc gia nhằm mục đích làm suy yếu nền kinh tế Nga, nhưng theo một số chuyên gia, trên thực tế, diễn biến này lại có lợi cho làn sóng doanh nhân mới.
Theo quy định về thủ tục thoái vốn, các công ty rời khỏi Nga có nghĩa vụ bán lại tài sản với mức chiết khấu 50%. Các công ty này cũng cần được chính phủ Nga cho phép bán và phải trích một phần số tiền bán được góp vào ngân sách, lên tới ít nhất 10% của một nửa giá trị thị trường tại Nga.